Nguyễn Hải
Lệ Thủy – vùng đất địa linh nhân kiệt là quê hương của nhiều vị anh hùng dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam có tuổi thơ gắn liền với quê hương Lệ Thủy, bên dòng Kiến Giang thơ mộng cùng những câu hò khoan mênh mang sông nước.
Dòng sông Kiến Giang là nơi khơi nguồn cho nhiều giá trị văn hóa, trong đó phải kể đến những nét văn hóa thường ngày vùng sông nước và lễ hội đua thuyền truyền thống.
Sông Kiến Giang là một phụ lưu của sông Nhật Lệ, dài khoảng 58km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, qua vùng núi An Mã, chở nặng phù sa cho đồng bằng hai huyện là Lệ Thủy và Quảng Ninh sau đó nhập vào phá Hạc Hải rồi đổ ra sông Nhật Lệ.
Nhiều vị cao niên ở Lệ Thủy kể rằng, ban đầu lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang chỉ là một nghi thức dân gian với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời thi thố sức trai, sức gái để chuẩn bị thích ứng với một mùa mưa lũ, thiên nhiên khắc nghiệt.
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, lễ hội đua thuyền trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Lệ Thủy. Mỗi dịp Quốc khánh, người dân Lệ Thuỷ ở trên khắp đất nước đổ về quê hương. Họ truyền tai nhau những vần thơ khơi dậy nỗi khao khát được sum vầy rằng:
“Dù ai đi Tây về Đông
Mùng 2 tháng 9 cũng mong về nhà
Về nhà xem hội quê ta
Dưới sông bơi chải, nhà nhà cờ bay”
Ngày Tết Độc Lập, những người con tha phương mong mỏi quay về quê hương để tìm lại ký ức tuổi thơ qua làn điệu hò khoan, tiếng í ới gọi nhau qua những bến nước, con đò giữa đêm trăng sáng, để được gặp nhau, ôm chầm lấy nhau rồi hỏi han trong mừng mừng, tủi tủi. Không chỉ người dân Lệ Thủy mà cả du khách thập phương đều nô nức tham gia vào lễ hội này.
Trước ngày diễn ra lễ hội chính thức, các đò bơi phải trải qua nhiều đợt bơi đua như bơi xã, bơi cụm, bơi vòng bảng sau đó chọn ra những đò bơi xuất sắc nhất tham gia trong hội chính thức vào đúng ngày Quốc khánh. Chính vì quy trình tổ chức, tuyển chọn như vậy nên không khí khắp các đường làng ngõ xóm những ngày tháng 8 lịch sử thêm phần náo nhiệt. Kinh phí bơi đua thường được người dân trong làng, xã cùng nhau quyên góp. Từ việc đóng đò cho đến từng bữa cơm của trai bơi, gần như mọi thứ đều đến từ tấm lòng và sự đoàn kết của bà con.
Đúng vào ngày 2/9, một dòng sông yên ả bổng nhiên dậy sóng với tiếng trống, tiếng cồng mõ nổi lên giục giã các thuyền đua về dự hội. Với khoảng 24km dọc theo đường đua, hai bên bờ sông Kiến Giang trở nên náo nhiệt, hàng ngàn người dân đến từ khắp nơi đổ về, họ đứng cả xuống dưới nước để hò hét, tát nước lên các thuyền đua mỗi khi chạy qua. Trong khi các đò bơi đua dưới sông thì trên bờ cũng là lúc các cổ động viên “bơi cạn”. Họ chạy xe máy, chạy bộ trên con đường ven hai bờ sông, họ thường đi theo làng, xã chạy song song với đò bơi để cổ vũ cho đội của mình tạo nên sự khích lệ to lớn. Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa, mà bao trùm lên đó là niềm vui, là dịp để gắn kết cộng đồng. Đây cũng là một cách để truyền dạy và cổ vũ những giá trị truyền thống và lịch sử cho thế hệ mai sau.