Một ngày cuối tháng 4, lần đầu tiên một mình đi sáng tác đến một vùng đất xa, hoàn toàn mới với quyết định rất chóng vánh. Nhờ một vài sự hỗ trợ từ anh em bạn bè, sau một cuộc điện thoại với cán bộ chỉ huy đồn biên phòng Ra Mai để xin tá túc. Mình quyết định xách ba lô lên đi trong sự ngỡ ngàng của vợ con. “Anh đi gấp vì ngày mai thời tiết đổi”

Đối với một người sống ở thành phố như tôi, việc đến với những bản làng xa xôi ở miền biên viễn là một trải nghiệm tuyệt vời và mới lạ. Những đồi núi xanh trùng điệp, những cung đường cua tay áo, những ngôi nhà truyền thống bên sườn núi với khói lam chiều làm tôi cảm thấy như sắp bước vào một thế giới khác, cách biệt hoàn toàn với thực tế đang sống.

Sau hơn 150km chạy xe máy từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông – Quốc lộ 12A, những bản làng dần hiện ra trong vạt nắng chiều nhàn nhạt. Vừa đi vừa dò Map và hỏi người đi đường rồi tôi cũng đã đến được đồn biên phòng Ra Mai.

Bữa tối được dọn ra với không khí ấm áp trong doanh trại. Ban đầu tôi cũng rón rén lắm nhưng với sự nhiệt tình, ân cần của các anh – “ngày mai sẽ cử cán bộ dẫn tôi đi thăm bản” làm cho tôi cũng mạnh dạn dần.

Sáng ra ngồi ăn cơm mà lòng thì thấp thỏm vì nhìn ra ngoài mây đã ôm ấp quanh núi từ bao giờ. Thầm nghĩ bụng, giá mà biết đường thì mình đã rời đồn từ lúc sớm tinh sương. Dường như biết được tâm trạng của mình, chiến sỹ cũng ăn vội bát cơm rồi dẫn mình lên đường.

Dọc theo con đường độc đạo rộng khoảng 3m đến với bản Tà Vờng tôi như lạc vào một thế giới mộng mơ, bất tận và đầy bí ẩn. Trên con đường quanh co, vòng theo những dãy núi đồi tôi cảm nhận được nét đẹp hoang sơ, khắc nghiệt mà hùng vĩ của thiên nhiên.

Khi lên đến bản cao nhất trong lộ trình – bản Chà Cáp khung cảnh hiện ra trước mắt tôi là những đỉnh núi mây phủ, mây quấn núi như dải lụa đào tạo thành những bức tranh thiên nhiên đầy mê hoặc mà không thể tả hết bằng lời.

Từ những thung lũng rộng mở cho đến những con suối chảy róc rách qua những vách đá trắng xóa, tôi như được đắm mình trong cõi mộng. Cảm giác thăng hoa, hân hoan và nhẹ nhàng như gió đã chạm đến tâm hồn tôi như một lời nhắn nhủ đến từ thiên nhiên.

Ôm dọc theo đường biên giới Việt – Lào dài khoảng 27km là dãy núi Giăng Màn với mây phủ quanh năm cùng những bản làng thấp thoáng, nên thơ. Trên dãy núi Giăng Màn hùng vỹ còn có những ngọn núi Ku Lông, Y Hơn, Tồng Vốc, Y Răng. Theo truyền thuyết của người dân nơi đây mỗi ngọn núi có một vị thần cai quản, chở che cho buôn làng luôn yên bình được bà con tôn kính gọi là Giang Bra.

Không chỉ khám phá vẻ đẹp thiên nhiên mà trên những con đường đồi núi này còn có cả văn hóa độc đáo qua những truyền thống, tập quán và phong tục của các dân tộc sống tại đây. Theo các nhà truyền giáo Pháp, xưa kia cao nguyên Minh Hoá có diện tích hơn 1.400km2 là rừng rậm. Nơi trú ngụ của các dân tộc Nguồn, Chứt, Khùa, Mày, Rục, Sách, Trì, Thổ… với những tập tục, văn hoá rất riêng mà họ đã tạo nên. Cho đến ngày nay vẫn chưa có sự nghiên cứu nào trọn vẹn về vùng đất và con nguời đầy bí ẩn này.

Sách lá được làm từ lá thốt nốt thuộc hệ chữ sankrit được ông Hồ Thoong gìn giữ qua bao đời nay.

Tạm biệt những ngoằn nghèo, những con dốc thẳng đứng, tôi quay lại thành phố với nhiều vương vấn về bản làng thấp thoáng bên sườn núi, khói lam chiều và mây trắng phủ núi.

Những hình ảnh đó đã để lại cho tôi một cảm xúc rất đặc biệt, giúp tôi cảm nhận được sự đơn giản và giản dị của cuộc sống. Những khoảnh khắc khó có thể phai mờ trong ký ức, và mong rằng một ngày nào đó tôi sẽ quay trở lại nơi đây, để tiếp tục khám phá vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vỹ của miền biên viễn.

NguyỄn HẢi

(Còn nhiều câu chuyện về cuộc sống của người dân bản địa và tình cảm của các chiến sỹ biên phòng Ra Mai đối với người dân mà mình rất cảm kích khi tận mắt chứng kiến xin phép được kể trong kỳ sau ở bài “Miền biên cương, thắm thiết tình người”)